Huyện Bình Chánh:

Vụ mua đất hợp lệ bỗng biến thành tranh chấp: 2 lần đo vẽ đều bị ngăn cản

Thứ Sáu, 11/09/2020 06:32

|

(CAO) Để giải quyết vụ tranh chấp đất đai kéo dài suốt gần 7 năm, huyện Bình Chánh đã mời Trung tâm đo đạc bản đồ trực thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) TPHCM xuống đo vẽ hiện trạng để làm cơ sở giải quyết.

Tuy nhiên, hai lần Sở TN&MT cử nhân viên xuống đo vẽ đều đành phải thất vọng ra về vì vấp phải sự chống đối, trong khi chính quyền địa phương cũng không có biện pháp hữu hiệu hỗ trợ để đo vẽ được khu đất, góp phần giải quyết dứt điểm vụ việc.

Mua đất không tranh chấp thành tranh chấp

Phản ánh đến Báo Công an TPHCM, bà Phạm Thế Hùng (SN 1957, ngụ huyện Bình Chánh) cho biết vào năm 2002, bà cùng ông Đặng Thành Thang (SN 1961, ngụ Q.8) mua hai mảnh đất thuộc thửa 27, tờ bản đồ số 137 tại ấp 3, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh của ông Nguyễn Văn Hai (SN 1957, ngụ huyện Bình Chánh) bằng giấy tay có diện tích 224m2.

Bà Phạm Thế Hùng đến Báo Công an TP.HCM kêu cứu

Tuy nhiên, do mảnh đất nằm trong quy hoạch đô thị mới khu Nam nên bà Hùng và ông Thang không thể làm thủ tục tách thửa và sang tên chủ quyền được. Dù vậy, bà Hùng và ông Thang vẫn tiến hành kê khai và đóng thuế đầy đủ.

Trong biên bản xác nhận nguồn gốc đất ký ngày 19-1-2005, ông Trần Văn Cần – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hưng ghi rõ mảnh đất trên có nguồn gốc “mua bán bằng giấy tay, nằm trong quy hoạch dự án Khu dân cư Bình Minh (9A) nhưng chưa có quyết định thu hồi. Đất không có tranh chấp”.

Ngày 6-3-2006, ông Huỳnh Văn Ba - Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh tiếp tục ký xác nhận “đất không có tranh chấp” khi bà Hùng làm đơn xin xác nhận để bổ túc hồ sơ xin xây dựng nhà. Tuy nhiên, việc xin xây dựng nhà ở sau đó không được cơ quan chức năng chấp thuận vì khu đất đang nằm trong diện quy hoạch.

Đến năm 2013, bà Hùng bất ngờ phát hiện gia đình bà Phạm Thị Thúy (SN 1967, ngụ huyện Bình Chánh) xây cất 3 căn nhà trái phép trên khu đất đã mua nên làm đơn tố cáo, yêu cầu UBND xã Bình Hưng và chính quyền địa phương giải quyết. Cũng từ đây, bà Hùng và ông Thang bắt đầu một hành trình đầy gian nan để đi đòi đất.

UBND xã Bình Hưng từng khẳng định rõ khu đất bà Hùng mua không có tranh chấp và bà Hùng cũng đã đóng thuế đầy đủ

Đầu năm 2015, UBND xã Bình Hưng tổ chức cuộc họp hòa giải để giải quyết tranh chấp. Sau 2 lần hòa giải tại UBND xã, ông Nguyễn Văn Hai khẳng định chỉ bán đất cho bà Phạm Thế Hùng và ông Đặng Thành Thang. Ngoài ra, không bán đất cho bất cứ ai khác.

Còn gia đình bà Phạm Thị Thúy không đưa ra được chứng cứ pháp lý thuyết phục chứng minh khu đất trên do gia đình khai phá?! Trong khi đó, ông Phạm Văn Chính – Cán bộ địa chính xã Bình Hưng khẳng định “căn cứ vào bản kê lập năm 2003, thửa 27 tờ bản đồ 137 diện tích 300 m2 loại đất lúa do ông Nguyễn Văn Hai đứng tên. Tại sổ dã ngoại và thống kê diện tích của bản đồ 2003, ứng một phần thửa 101 tờ bản đồ số 10 tài liệu 02 do bà Huỳnh Thị Mừng (mẹ ông Hai) đứng tên tại sổ mục kê đất tài liệu 02CT”.

Trích lục bản đồ địa chính do Văn Phòng đăng ký đất đai thuộc Sở TN&MT TPHCM cũng khẳng định thửa 27, tờ bản đồ 137 có diện tích 300m2 thuộc địa phận xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh do ông Nguyễn Văn Hai đứng tên người sử dụng đất. Như vậy, với những chứng cứ pháp lý rõ ràng nêu trên, việc bà Hùng, ông Thang tố cáo gia đình bà Thúy xây nhà trên đất của mình đã mua hợp lệ là hoàn toàn có cơ sở.

Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM khẳng định thửa đất số 27, tờ bản đồ 137 do ông Nguyễn Văn Hai là người bán đất cho bà Hùng, ông Thang đứng tên người sử dụng đất

Tưởng rằng, với pháp lý rõ ràng như trên, vụ việc tranh chấp sẽ sớm được UBND huyện Bình Chánh giải quyết thỏa đáng. Tuy nhiên, thay vì căn cứ vào pháp lý của hai bên đang tranh chấp để giải quyết thì huyện Bình Chánh lại trả lời khiến vợ chồng bà Hùng - ông Thang rất bức xúc!

Cụ thể, ngày 13-9-2016, UBND huyện Bình Chánh ban hành công văn số 2234/UBND cho biết phần đất tranh chấp thuộc “thửa đất số 27, tờ bản đồ số 137, tương ứng với một phần thửa 576, một phần rạch và một phần đường, tờ bản đồ 01 (tài liệu 299/TTg). Thửa 576 do ông Lê Văn Chính đăng ký là người sử dụng đất”. Trong khi ông Lê Văn Chính không liên quan gì đến vụ tranh chấp nêu trên. Không những vậy, UBND huyện "đẩy" vụ tranh chấp sang tòa án?!

Không thể đo vẽ vì bị ngăn cản

Không đồng tình với cách giải quyết của huyện Bình Chánh, bà Hùng và ông Thang liên tục kêu cứu đến các cơ quan chức năng. Sau đó, hàng loạt các cơ quan từ Văn phòng Chính phủ, UBMTTQ Việt Nam TPHCM, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, Văn phòng UBND TPHCM… chỉ đạo huyện Bình Chánh kiểm tra, giải quyết dứt điểm vụ việc.

Ngày 9-8-2019, ông Phạm Văn Hùng – Trưởng Phòng TN&MT huyện Bình Chánh ký công văn số 2718/TNMT gửi Trung tâm do đạc bản đồ trực thuộc Sở TN&MT TPHCM đề nghị đo đạc và hỗ trợ đối chiếu xác minh vị trí, quá trình đăng ký sử dụng đất qua các tài liệu bản đồ (TL 299/TTg, TL02/CT-UB, TL BĐĐC) đối với phần đất đang tranh chấp để có cơ sở tham mưu cho UBND huyện Bình Chánh giải quyết đơn của người dân.

Hiện trạng khu đất với nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất đang tranh chấp nhưng chưa bị cưỡng chế

Cần phải nói thêm, trước đó vào năm 2015, UBND xã Bình Hưng khi tiến hành hòa giải cũng đã cho đo đạc và lập bản vẽ hiện trạng khu đất để có cơ sở giải quyết tranh chấp. Theo đó, Công ty TNHH đo đạc AD Anh Dũng được mời đo vẽ đã thể hiện khu đất đang tranh chấp nằm hoàn toàn trong thửa 27, tờ bản đồ 137 do ông Nguyễn Văn Hai là người đã bán đất cho bà Hùng, ông Thang đứng tên kê khai sử dụng.

Tưởng rằng với sự vào cuộc của Sở TN&MT TPHCM, vụ việc sẽ sớm được giải quyết. Tuy nhiên vào ngày 10-9-2019, đoàn đo đạc của Sở TN&MT phối hợp cùng huyện Bình Chánh xuống tiến hành đo đạc nhưng bà Nguyễn Thị Thúy và gia đình ngăn cản không cho đo vẽ.

Đến ngày 8-11-2019, đoàn đo  vẽ của Sở TN&MT TPHCM lần thứ hai xuống tiến hành đo vẽ nhưng vẫn không thể thực hiện được do vấp phải sự phản đối của bà Phạm Thị Thúy.

Điều đáng nói, cả hai lần tiến hành đo vẽ trên đều có sự chứng kiến của đại diện Phòng TN&MT huyện Bình Chánh cũng như chính quyền xã Bình Hưng. Tuy nhiên, các cán bộ này cũng chỉ “đứng nhìn” mà không có một biện pháp cứng rắn nào để giúp đoàn đo vẽ tiến hành đo vẽ nhằm giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp?!. Điều này không chỉ khiến người dân mà cả cán bộ đo vẽ cũng bức xúc.

Trung tâm đo đạc bản đồ cũng "bức xúc" với hai lần tiến hành đo vẽ nhưng đều không thực hiện được

Ngày 23-3-2020, ông Phạm Đình Tùng – Phó Giám đốc Trung tâm đo đạc bản đồ đã phải gửi công văn số 471/TTĐĐBĐ gửi Phòng TN&MT huyện Bình Chánh nêu rõ việc 2 lần tiến hành đo vẽ nhưng đều không thực hiện được và đề nghị Phòng TN&MT huyện Bình Chánh cho ý kiến bằng văn bản có thực hiện đo vẽ tiếp hay không? Tuy nhiên, đến nay Trung tâm đo đạc bản đồ vẫn chưa nhận được sự phản hồi.

Trong khi chính quyền địa phương dường như "bất lực" thì từ 3 căn nhà xây dựng trái phép ban đầu, đến nay đã được cơi nới và xây dựng thêm nhiều căn nhà trái phép khác. Điều này không chỉ khiến cho bà Hùng, ông Thang và ông Hai thêm bức xúc mà còn khiến dư luận hoài nghi về sự nghiêm minh của pháp luật?!

Bình luận (0)

Lên đầu trang